Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Địa ốc ồ ạt ăn theo cú hích hạ tầng

Nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay rót vốn khủng vào các dự án bất động sản ở các khu vực hứa hẹn có hạ tầng tốt như các tuyến Metro, Trung tâm hành chính mới Thủ Thiêm, cầu vượt, đường cao tốc liên vùng, kết nối trục Đông - Tây TP HCM...

Nằm ở ven đô, quận Tân Phú vẫn hấp dẫn nhà đầu tư Nhật, Malaysia và các doanh nghiệp bất động sản trong nước nhờ cú hích từ tuyến Metro số 2, đường Tân Kỳ Tân Quý mở rộng và kết nối hạ tầng đồng bộ về hướng sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuối tháng 4, Công ty Bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (chủ yếu vốn của nhà đầu tư Malaysia) mở bán thêm căn hộ Block C dự án Celadon Cit​y tại quận Tân Phú. Chủ đầu tư dự án cho hay đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng cho khu đô thị có vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng này. Từ đầu năm 2014, nhà bán lẻ hàng đầu của Nhật Aeon Mall cũng đã khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại đây.
Ngoài khu đô thị Celadon Cit​y, nhiều dự án bất động sản mới thuộc các phân khúc giá rẻ vẫn đua nhau mọc lên tại Tân Phú. Các dự án đã và đang triển khai bởi nhà đầu tư trong nước gồm: Green Hills (Công ty Hòa Bình mua lại từ doanh nghiệp Hàn Quốc), Angia Garden, Chương Dương Garden, Phú Thạnh Apartment...
Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn thương Tín Tân Thắng, Chow Chee Fan cho biết: "Tuyến Metro số 2 đi qua địa bàn quận Tân Phú tuy chỉ mới dừng lại ở thông tin tham khảo nhưng đã ít nhiều tác động tích cực đến các dự án trong toàn khu vực".
Một dự án tại quận 9 hưởng lợi từ tuyến đường cao tốc nối Sài Gòn với Long Thành - Dầu Dây. Ảnh: Vũ Lê
Trong khi đó, thông tin trung tâm hành chính mới Thủ Thiêm vừa được xới lại từ đầu năm đã khiến dự án khủng tại quận 2 rục rịch chuyển động. Đầu quý II, Công ty Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đã khởi công dự án khu dân cư thấp tầng và triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM.
Tổng giám đốc Địa ốc Đại Quang Minh, Trần Bá Dương cho biết, tổng mức đầu tư khu đô thị này khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng, sẽ thực hiện liên tục theo hình thức cuốn chiếu. Dự án có quy mô 37,15 ha, tổng số nhà ở là 1.131 căn với các chức năng thương mại, trường học, nhà văn hóa, công viên...
Mặc dù thừa nhận thị trường bất động sản trong nước vẫn còn khó khăn, nhưng ông Dương cho hay không hề e ngại vì dự án có vị trí đắc địa. Khu đô thị này nằm ngay trong khu trung tâm mới Thủ Thiêm, kết nối thuận tiện với trung tâm quận 1 và các vùng phụ cận qua hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm.
Một doanh nghiệp khác hưởng lợi nhờ có dự án nằm cạnh trung tâm hành chính mới Thủ Thiêm là Công ty Xây dựng Phước Thành. Đơn vị này đã công bố bán được 2/3 diện tích sàn dự án The CBD Premium Home (quận 2) bao gồm căn hộ và diện tích thương mại cho khách hàng cá nhân và đối tác truyền thống hôm cuối tháng 3.
Bị xếp vào hạng vùng ven nhưng nhờ nằm liền kề quận 2, kết nối với tuyến đường cao tốc kết nối Sài Gòn - Long Thành Dầu Dây, Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 9 cũng có không ít dự án hút hàng trong 4 tháng đầu năm. Hai dự án có lượng giao dịch ổn định nhờ cú hích hạ tầng gồm: nhà phố Mega Residence (Công ty Khang Điền), chung cư The Eastern (Công ty Hùng Việt và KRDF03).
Khách hàng tham quan lễ mở bán một dự án nằm liền kề khu đô thị mới Thủ Thiêm tại quận 2 hồi quý I/2014. Ảnh: Vũ Lê
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend đánh giá, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, số lượng các công trình hạ tầng tại TP HCM được đưa vào sử dụng đã tăng lên đáng kể. Ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm và tuyến Metro mới rục rịch còn phải chờ đợi thêm, còn lại các tuyến cao tốc đã đi vào hoạt động và 6 cây cầu vượt trải đều khắp các quận nội, ngoại thành đã phát huy hiệu quả.
"Tôi tin rằng lượng giao dịch thành công nhiều hơn và doanh nghiệp vẫn rót vốn đầu tư vào các dự án nhà ở có một phần góp sức của cú hích hạ tầng", ông Marc Townsend nhận xét.
Giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACB (ACBR) Ngô Đình Hãn phân tích: "Hạ tầng gần như là máu thịt của bất động sản. Ở đâu có hạ tầng tốt thì ở đó bất động sản cũng hưng thịnh theo". Thế nhưng, ông Hãn cho rằng không phải lúc nào nhà đất cũng nóng sốt theo cầu đường, trường trạm. Hạ tầng tác động đến các dự án qua nhiều giai đoạn: quy hoạch, khởi công và hoàn thiện.
Ông Hãn giải thích, tại Việt Nam nhà đất thường trải qua giai đoạn tăng giá mạnh mẽ, đổ xô săn lùng, gom hàng khi các dự án hạ tầng vừa mới được công bố quy hoạch. Đây được xem là cột mốc vàng son của các dự án nhà đất khi lần đầu tiên đón cú hích hạ tầng.
Tuy nhiên, sau khi được loan tin và tiếp tục thời gian chờ đợi hoặc ngủ vùi trên bản vẽ, thời điểm cầu đường được khởi công xây dựng, các dự án nhà đất có thể rục rịch hâm nóng một lần nữa. Song đợt làm giá ở giai đoạn thứ hai này mức độ nhẹ hơn lần đầu.
Sau cùng là khi hoàn thiện hạ tầng, hầu như bất động sản miễn nhiễm với việc tăng giá, nếu có thì chỉ tăng ở tỷ lệ không đáng kể. Tín hiệu tốt duy nhất là giao dịch nhiều hơn. Thời điểm này, biên độ tăng giá của bất động sản nhờ hưởng lợi từ thông tin hạ tầng không còn nữa do đã tăng quá nhiều ở hai giai đoạn trước.
Theo ông Hãn, hiện nay ngoại trừ các quận vùng ven, mới chia tách, còn quỹ đất lớn tại TP HCM chịu tác động mạnh từ cú hích hạ tầng. Các khu vực thuộc nội đô, khu trung tâm hành chính hầu như không còn biên độ tăng giá nữa. "Hạ tầng một khi đã hoàn thiện chỉ còn đóng vai trò hỗ trợ bất động sản ở khả năng thu hút dân, đô thị hóa nhằm làm tăng giá trị xã hội, kích thích thanh khoản là chính", ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét