Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Những người “tập làm”... nông dân!

(TBKTSG) - Vì sao các doanh nhân làm nông nghiệp? Liệu có diễn ra một trào lưu mới đầu tư vào nông nghiệp như đã từng có trào lưu chứng khoán - nhà băng, địa ốc?

Hải Lý

Những người
Bò Kobe được tập đoàn Thành Thành Công nuôi ở Đà Lạt. Ảnh: Dương Gia Hùng

"Bò Kobe đang được chúng tôi nuôi ở Đà Lạt và đầu năm 2015 thị trường sẽ có thịt bò Kobe made in Vietnam" (sản xuất ở Việt Nam) - ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Thành Thành Công bật mí trong một cuộc hội thảo về mía đường. Ý tưởng nuôi bò Kobe đã nhanh chóng biến thành hiện thực sau khi ông Thành đi khảo sát con giống, quy trình công nghệ nuôi ở Nhật Bản. Bò Kobe được người Nhật nuôi theo công nghệ đặc biệt, kể cả việc massage cho bò bằng bia, tạo ra loại thịt thơm ngon nổi tiếng thế giới. Cùng hợp tác nuôi bò với ông Thành là công ty Kềm Nghĩa.

Những người khai phá thị trường ngách

Lúc đầu khi những doanh nhân từng trải và lăn lộn trên thương trường trong lĩnh vực nhà băng - chứng khoán - địa ốc như ông Thành; ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG); ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào nông nghiệp, đã có những hoài nghi từ giới quan sát.

Việt Nam là nước nông nghiệp. Bao năm nay những chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển nông nghiệp - nông thôn thời nào cũng có, nhưng có mấy "đại gia" nhảy vô đâu. Làm nông nghiệp rủi ro, phụ thuộc thời tiết, đầu ra sản phẩm, kiếm được đồng lợi nhuận mướt mồ hôi. Bởi thế khi những công ty chứng khoán, địa ốc chuyển hướng sang nông nghiệp, không ít người tặc lưỡi họ bí quá và liều quá mới làm thế.

Không phải. Cái khác biệt đầu tiên mà các công ty trên chỉ ra là họ bỏ tiền túi cộng với tiền vay hoặc của nhà băng hoặc của cổ đông, nhà đầu tư để làm nông nghiệp (không phải tiền của Nhà nước), nên họ phải vắt óc để tiền đẻ ra tiền. Họ đặt chân vào những ngách thị trường còn trống của nông nghiệp, nơi mà sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ ngay nội địa. Việt Nam đang phải nhập khẩu nguyên liệu sữa, thịt bò, nguyên liệu sản xuất dầu ăn, nhiều loại giống cây nông nghiệp...Các doanh nhân như ông Thành, ông Hưng, ông Đức đã chọn ngách này.

Nếu đến Israel, bạn sẽ thấy người Do Thái trồng lúa mì, dầu cọ, bắp và đủ thứ cây nông nghiệp trên đất đá trong sa mạc. Giữa sa mạc mênh mông, nổi lên một thành phố xanh tươi, những trang trại có rau, trái cây như xoài, chuối, chanh, cam... và gia súc. Tất cả nhờ vào nước qua hệ thống tưới tiêu đặc trưng Israel. Bầu Đức đã lặn lội thuê chuyên gia Israel thiết kế hệ thống tưới tiêu cho đồn điền cao su, mía ở Lào và sau này là bắp và dầu cọ ở Campuchia của HAG. Những hồ nước nhân tạo và đường ống của HAG giống hệt những hồ nước mà chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy khi đi dọc đất nước Israel từ Tiberias, Nazareth đến sa mạc Negev.

Là nhà đầu tư tài chính, SSI không mua công nghệ sản xuất của Israel. Họ hợp tác trong công nghệ tài chính. Công ty Quản lý quỹ SSI ký thỏa thuận với LR Group Limited và Orca Group của Israel huy động 150 triệu đô la Mỹ cho Quỹ Nông nghiệp, giải ngân vốn vào các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm Việt Nam.

Ông Thành và Kềm Nghĩa lại nhìn thấy những nơi tiêu thụ thịt bò Kobe là các khách sạn, nhà hàng và người dân có thu nhập trung lưu ở các đô thị. Món phở thịt bò Kobe nhập khẩu với giá hơn 700.000 đồng/tô được ưa chuộng ở một số khách sạn trong nước. Giá thịt bò Kobe Việt Nam chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với thịt bò Kobe nhập khẩu, nhưng chất lượng tương đương, có thể sẽ thu hút được người tiêu dùng nội địa.

Lối đi riêng

Sau vụ thu hoạch bắp vừa qua ở Campuchia với năng suất 14 tấn/héc ta và sau khi nâng diện tích trồng dầu cọ lên 12.000 héc ta, HAG công bố kế hoạch nuôi bò. Bầu Đức thừa nhận nuôi bò không phải là ý tưởng của ông, mà là ý tưởng nảy sinh của một người bạn sau khi thăm cánh đồng bắp của HAG. Khoảng 70% chi phí nuôi bò là thức ăn. Bắp, thân cây bắp, bã dầu cọ... HAG có. Chỉ cần tận dụng chúng mà thôi.

HAG chẳng có chút kinh nghiệm nào trong chế biến sữa, kinh doanh gia súc giết mổ, phân phối tiêu thụ thịt tươi sống cũng như đồ nguội. Họ đi một nước cờ sáng tạo: ký hợp đồng hợp tác với Vissan và Nutifood. Vissan là đầu mối chế biến, phân phối thịt tươi, đông lạnh, đồ nguội lớn nhất thị trường phía Nam hiện nay. Họ có đại lý ở các chợ, có mối quan hệ với các siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Nutifood có thể tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu. Thế là xong. Sự thành bại của nuôi bò giờ nằm ở giá thành sản phẩm. Nếu giá thịt bò hơi tính theo ký và sữa nguyên liệu của HAG thấp hơn giá thành nhập khẩu cùng loại, tập đoàn sẽ "chiến thắng".

Trong khi đó các quỹ và nhóm tổ chức đầu tư của SSI gần đây đã gia tăng sự sở hữu tối đa ở hai công ty chuyên về giống cây trồng là Công ty Giống cây trồng trung ương (NSC) và Công ty Giống cây trồng miền Nam (SSC). Năm ngoái NSC có vốn điều lệ 100 tỉ đồng (vừa tăng lên 150 tỉ đồng sau khi phát hành thêm cổ phần đầu năm nay), và lợi nhuận sau thuế 95,5 tỉ đồng. Con số này ở SSC tương ứng là 150 tỉ và 77 tỉ đồng. Việc nông dân đầu tư mạnh cho con giống và đây cũng là mảng còn yếu của ngành nông nghiệp là cơ hội để các nhà đầu tư tài chính giải ngân vào đây.

Ông Thành cho biết đối với ngành mía đường - kinh doanh cốt lõi của Thành Thành Công - do năng suất trồng mía trong nước còn thấp so với thế giới, tập đoàn đang và tiếp tục đầu tư tạo ra các giống mía chất lượng cao phù hợp với Việt Nam. Những hạn chế về cánh đồng mẫu lớn, chi phí vận chuyển, phương thức thu hoạch khiến cho giá thành đường trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập lậu. Ngoài ra, Thành Thành Công đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất các công ty con thành một công ty lớn, trước mắt là Đường Ninh Hòa và Đường Biên Hòa, sau đó sẽ là Đường Bourbon Tây Ninh và Mía đường Gia Lai.

Vì sao các doanh nhân làm nông nghiệp? Liệu có diễn ra một trào lưu mới đầu tư vào nông nghiệp như đã từng có trào lưu chứng khoán - nhà băng, địa ốc? Trước mắt đầu tư vào nông nghiệp tạo doanh thu, lợi nhuận ổn định cho công ty và tạo sức mạnh tốt hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên nông nghiệp là lĩnh vực đòi hỏi thời gian, vốn liếng, sự kiên trì và nó khó đem lại lợi nhuận ào ào như địa ốc hay nhà băng một thời. Thêm vào đó, giá cả các sản phẩm nông nghiệp biến động mang tính chu kỳ, phụ thuộc vào cung - cầu quốc tế, trong nước. Đầu tư nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng của thời điểm (timing). Làm nông nghiệp, vì thế, không phải không rủi ro.

Cái mà chúng ta đang thiếu, là một chính sách kích thích phát triển nông nghiệp tư nhân, nhất là ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp, vốn là điểm yếu từ xưa đến nay. Nhìn từ góc độ này, những doanh nhân "tự động" bỏ tiền nuôi bò, trồng bắp, đổ tiền vào các công ty giống cây trồng, thật đáng quan sát!

Những người


Từ khoá : văn phòng hà nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét