Lời ít nhưng an toàn hay lời cao mà rủi ro nhiều là băn khoăn của nhiều người khi lựa chọn kênh để đầu tư. Một câu trả lời chung rất khó, bởi nó phụ thuộc vào từng cá nhân với điều kiện tài chính, sức chịu đựng rủi ro… khác nhau.
Lãi suất tiết kiệm có xu thế giảm
Chứng khoán là kênh đầu tư sinh lợi hấp dẫn trong những tháng đầu năm 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, cơ quan này dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ xấp xỉ 5%. Lạm phát ổn định như trên đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất (LS). Đối với hệ thống nhà băng, LS giảm cả với tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, LS tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn LS cho vay. Tính đến tháng 7.2014, LS tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2013. "Với lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng LS có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh", báo cáo nêu.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng theo xu thế giảm tiếp của LS tiết kiệm thì đồng USD cũng khó tăng giá trong thời gian tới. Vì vậy, việc giữ ngoại tệ cũng không phải là ý hay trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, vàng tiếp tục trong xu thế giảm giá dài hạn của thế giới, đồng thời nhu cầu vàng trong nước đã ở mức thấp nên cũng không phải là kênh đầu tư an toàn. Ngược lại, dù LS tiết kiệm ở mức thấp thì đây vẫn là kênh an toàn cho nhiều người dân có tiền nhàn rỗi với số lượng vừa phải, chưa quen đầu tư vào những kênh tài chính khác cũng như không dám chấp nhận mức độ rủi ro quá cao.
Trái phiếu và cổ phần trở nên hấp dẫn
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Trong 7 tháng đầu năm nay, kênh đầu tư chứng khoán có mức sinh lời vượt trội. Nếu tính đến hết phiên giao dịch ngày 8.8, chỉ số VN-Index đã tăng 20% so với cuối năm 2013. Dù không phải tất cả đều có mức tăng tương ứng nhưng đa số cổ phần (CP) có mức tăng từ 15 - 20%. Đứng kế tiếp là trái phiếu chính phủ (TPCP). Điều này thể hiện qua việc giá trị giao dịch bình quân TPCP trên thị trường thứ cấp (thị trường giao dịch giao dịch lại) từ đầu năm đến nay đạt gần 2.000 tỉ đồng/ngày, tăng gần gấp 3 lần so với giá trị giao dịch bình quân trong năm 2012. Tuy nhiên, kênh TPCP chỉ phù hợp cho các tổ chức, đặc biệt là nhà băng thương mại khi bối cảnh đầu ra tín dụng vẫn gặp khó như hiện nay. Theo thống kê của chuyên gia Đinh Thế Hiển, tỷ lệ sinh lời trong 7 tháng đầu năm 2014, ngoài VN-Index dẫn đầu thì LS TPCP cũng đạt 6,8%; tiền gửi 4,3%; cho thuê địa ốc 2%; gửi USD 1,6% và giữ vàng lại bị âm 0,1%. Vì vậy, có thể thấy những kênh đầu tư truyền thống hiện không có mức sinh lời cao.
Ngoài kênh CP và TPCP, ông Hiển cho rằng việc Chính phủ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng là thêm cơ hội đầu tư cho nhiều người. Bởi đối với CP, thống kê cho thấy gần 80% nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ do thiếu thông tin và chiến lược đầu tư không hợp lý. Trong khi đó, nếu mỗi tháng đầu tư 1 triệu đồng vào quỹ hưu trí tự nguyện thì khi đến tuổi về hưu, người gửi sẽ nhận được mức lãi suất 7 - 8%/năm, tùy thuộc vào doanh nghiệp bảo hiểm, và giá trị tích lũy sau khi về hưu sẽ đảm bảo được cuộc sống cho người dân. Đây cũng là hình thức đầu tư an sinh phổ biến của người dân ở các nước phát triển.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích: nguồn cung địa ốc còn khá lớn trong giai đoạn 2010 - 2013 và sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu tính trên thu nhập của đại đa số người dân thì giá địa ốc VN vẫn quá cao so với các nước. Do đó, địa ốc không còn là kênh đầu tư an toàn và sinh lợi cao. Đặc biệt, càng khó có cơ hội cho đa số nhà đầu tư cá nhân. Đó là chưa kể đầu tư địa ốc đòi hỏi nguồn vốn khá lớn nên cũng không phù hợp cho nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Thảo Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét