Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Cần chất xúc tác chothị trường mua,bán nợ

Cũng như thị trường chứng khoán, nhà đất, giao dịch nợ cũng cần chất xúc tác để kích hoạt thị trường. Chất xúc tác đó là các giao dịch. Khi có giao dịch, thanh khoản tăng dần lên thì thị trường giao dịch nợ mới hấp dẫn, kích hoạt sự tham gia của các NĐT...

Vấn đề cũ nhưng cần thái độ xử lý mới

Không phải đến khi nợ quá hạn hệ thống NH được ghi nhận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014 thì vấn đề này mới trở nên quan trọng ở khía cạnh sức khỏe hệ thống NH, mà ở đây, nợ quá hạn còn phản ảnh đa nghĩa.

Đầu tiên, nó nằm trong tổng thể câu chuyện tái cấu trúc NH với nhiều khía cạnh từ minh bạch hóa, tăng cường năng lực quản trị rủi ro rồi đáp ứng thông lệ chuẩn mực Basel II, chuẩn mực kiểm toán kế toán, giám sát, sở hữu chéo, tái cấu trúc từng NH…

Thứ hai, xử lý nợ quá hạn (XLNX) gắn với câu chuyện cung tín dụng và đảm bảo chất lượng tín dụng. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, tín dụng NH chịu nhiều sức ép bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng. Bản thân NH cũng muốn hỗ trợ DN ổn định, hồi phục dần, nhưng tình hình sức khỏe DN đang yếu do tác động từ kinh tế vĩ mô nên khả năng đáp ứng quy định vay vốn NH đang giảm đi. Vậy làm sao đáp ứng được yêu cầu vốn cho DN mà lại đảm bảo rằng nợ quá hạn không tăng? Đây thực sự là bài toán khó đối với các NH.

Vấn đề thứ ba liên quan đến câu chuyện về ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, củng cố lòng tin thị trường. Để xử lý vấn đề này cực kỳ khó khăn. Thực tế ai cũng biết với tính chất đặc thù của nền kinh tế nước ta, nếu không có sự can thiệp từ các nguồn lực khác nhau mà để tự các NH xử lý vô cùng khó khăn.

Cho nên ở nước nào cũng vậy, khi nợ quá hạn lớn thì cần có tác nhân bên ngoài để hỗ trợ khắc phục, xử lý. Như thành lập cơ quan để XLNX, nhưng cơ quan đó thứ nhất phải có đủ nguồn lực: nhân lực, tài lực, quyền lực… Thứ hai, cần thị trường giao dịch nợ phát triển. Thứ ba, vấn đề rất đặc thù nợ quá hạn của Việt Nam, là liên quan đến sức khỏe DN, khả năng hồi phục kinh tế và đặc biệt sự hồi phục của thị trường nhà đất.

Cần chất xúc tác cho thị trường mua, bán nợ - 53fa9604a0d5e_medium.jpg

DN đang yếu do tác động từ kinh tế vĩ mô nên khả năng đáp ứng quy định vay vốn NH đang giảm đi

Cho đến nay, nhìn vào quá trình XLNX trên cả ba yếu tố trên thì thấy các hệ thống NH Việt Nam nói riêng, Chính phủ nói chung đang cố gắng. Điều nhìn thấy đầu tiên là đã có một số văn bản tăng cường chức năng cho VAMC. Dù có những ý kiến chưa hài lòng về kết quả hoạt động của VAMC nhưng thực tế ít nhiều nó cũng tác động tích cực đến thị trường. Như việc mua nợ quá hạn của các NH giúp chi phí của họ đỡ chịu áp lực, thay vì phải trích 100% dự phòng rủi ro nay họ có thể chia đều cho 5 năm.

Một việc làm tích cực nữa, dù chưa nhân rộng được nhiều, đó là VAMC phối hợp chặt chẽ với các NH tạo điều kiện thuận lợi cho DN tái cơ cấu thoát khỏi cơn hoạn nạn. Ví dụ, đánh giá lại khoản nợ quá hạn của DN tạm thời khoanh lại nợ cũ cho vay mới. Theo đó, tăng khả năng cho vay đối với DN. Giải pháp lớn nhất có thể giúp DN "thoát án" và giúp NH xử lý mạnh nợ quá hạn nhưng lại đang… bất cập nhất. Đó là một loạt vướng mắc về pháp lý.

Phải khơi thông được mọi nguồn lực

Trong bối cảnh niềm tin thị trường chưa cao, nguồn vốn hạn hẹp thì rõ ràng việc mở cửa cho các NĐT nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng vướng mắc về pháp lý như chuyển đổi sở hữu, quyền sở hữu, room sở hữu cổ phiếu… đang trở thành những rào cản rất lớn đối với các NĐT ngoại. Thị trường nhà đất vẫn đang trong tình trạng trầm lắng dù có một vài phân khúc phục hồi, nhưng không tác động nhiều. Trong khi thị trường giao dịch nợ vẫn chưa được định hình. Vì vậy, nếu duy trì tình trạng này mãi, nợ mua về rồi mà không xử lý được cũng sẽ khiến cho các NH nản lòng không muốn bán cho VAMC nữa.

Đấy còn chưa nói đến việc XLNX của DNNN vì VAMC chỉ XLNX của NH có tài sản đảm bảo. Nên XLNX gắn với tái cơ cấu DNNN như rút vốn, sở hữu chéo… đòi hỏi sự phối hợp cách xử lý giữa Công ty giao dịch nợ và tài sản tồn đọng của công ty (DATC) và Bộ Tài chính. Nếu không xử lý mạnh mẽ những vấn đề trên thì nợ quá hạn không những không thuyên giảm thậm chí tiếp tục xu hướng tăng nhanh hơn trong thời gian tới.

Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta quá bi quan trong vấn đề XLNX. Ở góc độ NH, có thể thấy các NH cũng đã nỗ lực hết sức XLNX bằng cách trích lập dự phòng rủi ro giảm lợi nhuận của mình. Đây là giải pháp lớn nhất mà các NH có thể thực hiện trong thời điểm này.

Nên, như đã phân tích ở trên, để XLNX tại Việt Nam không thể để một mình NH xoay xở mà đòi hỏi sự chung tay, phối hợp giữa các bộ, ngành. Những khoảng "trống" và khoảng "mờ" về quy định pháp luật liên quan đến nhà đầu tư ngoại như vấn đề về quyền định đoạt tài sản bằng nhà đất ở Việt Nam, tỷ lệ tham gia sở hữu vốn tại NH, DN… cần phải có những thay đổi đột phá trong chính sách. Còn nếu khung khổ pháp lý cho họ chưa đầy đủ thì một điều chắc chắn là họ vẫn sẽ đứng ngoài cuộc. Do đó, dù có cố gắng tìm đối tác, hay chủ động lên mọi phương án thì một mình VAMC cũng không thể đẩy được khối nợ quá hạn sang tay đối tác ngoại.

Như chúng ta biết, bất cứ một nước nào đều phải trả giá khi xử lý khủng hoảng. Giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc tính chất nghiêm trọng cũng như vị thế của nước đó. Như Việt Nam khi thị trường giao dịch nợ chưa phát triển, VAMC chưa có tiền tươi thóc thật để mua nợ, thì vị thế mặc cả của NH, DN hay chính VAMC yếu thế hơn. Như vậy các khoản nợ quá hạn sẽ không thể được mua với giá cao. Tất nhiên không vì thế mà chúng ta bán tống bán tháo các khoản nợ quá hạn mà cân nhắc trên nhiều góc độ, khía cạnh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng đợi giá lên găm hàng và không diễn ra các giao dịch trên thị trường.

Cũng như thị trường chứng khoán, nhà đất, giao dịch nợ cũng cần chất xúc tác để kích hoạt thị trường. Chất xúc tác đó là các giao dịch. Khi có giao dịch, thanh khoản tăng dần lên thì thị trường giao dịch nợ mới hấp dẫn, kích hoạt sự tham gia của các NĐT. Còn nếu cứ chỉ nói rằng "có nhiều NĐT quan tâm" nhưng thực tế không có giao dịch nào diễn ra thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Võ Trí Thành


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét